BÀI CHIA SẺ VỀ LỄ MẸ VÔ NHIỄM
Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai Lm Phêrô CRM I. TIẾN TRÌNH TÍN ĐIỀU MẸ VÔ NHIỄM THAI Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội từ thuở đầu thai, nói tắt là "Đức Mẹ vô nhiễm thai". "Thai" nói đầy đủ là "thụ thai" (conception). Thụ thai phân biệt ra thụ thai chủ động (active conception) là việc người mẹ hoài thai đứa con, và thụ thai thụ động (passive conception) là việc người con được thụ thai. Do đó, khi nói đến Immaculate Conception là không phải nói đến Thánh Anna thụ thai Đức Trinh Nữ Maria, hay là Đức Trinh Nữ Maria thụ thai Chúa Giêsu, nhưng là nói đến Đức Trinh Nữ Maria "được thụ thai, hay là được dựng thai, hoặc là đầu thai" trong lòng Thánh Anna. Cũng có khi người ta chỉ nói "Đức Mẹ Vô nhiễm" thì hiểu là "Đức Mẹ Vô nhiễm từ thuở đầu thai" hay là "Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm" hoặc là "Đức Mẹ Vô nhiễm thai". Vấn đề "Đức Mẹ Vô nhiễm thai" thoạt tiên là một hạt giống được giấu ẩn trong kho mạc khải Thánh kinh và Thánh truyền, rồi trải qua niềm tin của Giáo hội biến thành Nụ Tín lý. Nhưng Nụ Tín lý trải qua nhiều chông gai, nhiều sương tuyết lạnh lùng, nhờ sự diễn giải của các Thánh Giáo phụ, các nhà thần học và sự phán quyết của Thẩm quyền Giáo hội mới nở tươi thành Tín điều. Xét về phương diện tiến triển, Tín điều "Đức Mẹ Vô nhiễm thai" đã trải qua một tiến trình rất phức tạp, nhưng được giản lược qua 3 giai đoạn: giai đoạn trầm lặng, giai đoạn tranh luận, và giai đoạn xác nhận. A. Giai đoạn trầm lặng từ thế kỷ I đến thế kỷ XI Thánh kinh chỉ có kiểu nói mặc nhiên ẩn tàng về vấn đề Vô nhiễm, nên trong những thế kỷ đầu, Giáo hội chưa khám phá ra. Tuy nhiên, từ thời các Thánh Tông đồ qua thời các Thánh Giáo phụ trong những thế kỷ đầu, một ít tia sáng "Vô nhiễm" đã loé lên, nhưng chỉ trong phạm vi cá nhân. Năm 416 Công đồng Carthage và Công đồng Mileviô ở Bắc Phi lên án Pelagiô và Coelestiô chối tội nguyên tổ, mà không đề cập gì đến trường hợp của Đức Mẹ. Năm 431 Công đồng Êphêsô ở Tiểu Á cùng với Thánh Cyrillô Alexanđria luận phi bè rối Nestoriô, để tuyên tín Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Từ đó, lòng sùng kính Đức Mẹ dâng lên cao và tràn lan ra xa rộng. Giáo hội cũng chỉ xác nhận sự trinh trong tuyệt đối của Mẹ. Khi người ta bàn luận về vấn đề tội lỗi, Thánh Augustinô không muốn liên tưởng đến Đức Mẹ. Tư tưởng tiêu cực này đã nên như qui luật cho các Giáo phụ thời đó. Bên Đông phương, người ta nồng nhiệt sùng kính phúc vinh quang Mẹ Thiên Chúa, mà không xác định rõ. Đến thế kỷ VII, bốn vị Giáo hoàng: Đức Honoriô I, Đức Thánh Martinô I, Đức Thánh Agathô, và Đức Thánh Lêô II làm loé lên một vài tia sáng nhưng vẫn ở trong phạm vi hạn hẹp. B. Giai đoạn tranh luận từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV Thế kỷ XII, nhà thần học Eadmer sử gia của Thánh Anselmô tại Canturbury (Anh) viết cuốn "Yếu luận về sự đầu thai thánh thiện của Đức Maria" để minh xác ý nghĩa đặc ân làm nền tảng cho Tín lý Vô nhiễm. Eadmer lý luận sâu sắc về việc Mẹ được đặc ân Vô nhiễm với ba lời có tính cách Cách ngôn: Potuit, Decuit, Fecit, nghĩa là Thiên Chúa có thể làm; nếu Người muốn thì Người đã làm. Cũng thời đó, văn sĩ Osbertô Clare đầu tiên vận động truyền bá giáo thuyết này. Đông phương đã mừng lễ Mẹ đầu thai từ thế kỷ VII, nhưng Tây phương mừng lễ này thế kỷ XII. Dẫu thế, một bức màn đen vẫn trùm phủ vấn đề Vô nhiễm, đến nỗi bốn vị Thánh tiến sĩ Bênađô, Albertô, Bônaventura, Tôma, và hai nhà thần học nổi danh Rupertô và Alexanđrô Halès cho rằng Đức Mẹ cũng mắc luật lưu truyền nguyên tội như mọi người dòng dõi Ađam. Thánh Tôma chỉ nói Đức Maria được thánh hoá trong lòng mẹ. Về sau, các ngài mới bỏ tư kiến để thuận theo sự phán quyết của các Đức Giáo hoàng và niềm tin của Giáo hội. Hai luồng tư tưởng nghịch và thuận vấn đề Vô nhiễm lan tràn sâu rộng gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai trường phái Tôma và Scôtô tại Avignon (Pháp) năm 1325. Phe thuận là trường phái Scôtô có luận cứ vững mạnh, nên được Đức Gioan XXII tán thành, và được Đại học Paris yểm trợ. Năm 1346 tại phân khoa Thần học Đại học này, không ai được đậu cử nhân, tiến sĩ, nếu không tuyên thệ phải ủng hộ giáo thuyết Vô nhiễm. Sau này hai Đại học Cologne và Mayence noi gương Đại học Paris cũng có qui chế như thế. Còn một cuộc tranh luận khác không kém gay go về vấn đề Vô nhiễm. Phe chống gây ảnh hưởng sâu rộng nhất là miền Bắc Ý, nhưng sau cũng thuận theo, nhờ thái độ cương quyết của Đức Sixtô IV. C. Giai đoạn xác nhận từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX Năm 1377 cuộc Đức Mẹ mạc khải với Thánh Brigitta được Đức Grêgôriô XI thẩm tra và xác nhận là chân thật. Đức Mẹ nói với Thánh Brigitta: "Đúng sự thật là Mẹ đầu thai vô nhiễm. Hỡi ái nữ của Mẹ. Con hãy tin và thấy rằng những ai tin và tuyên xưng Mẹ đã được gìn giữ khỏi vết nhơ tội tổ là họ nghĩ đúng. Ai nghĩ ngược lại là sai, nhất là họ nghĩ càn giỡ". Năm 1431, Công đồng Basel (Thụy sĩ), công bố một sắc lệnh như sau: "Chúng tôi xác định và tuyên ngôn rằng Đức Trinh Nữ Maria, do đặc ân Thiên Chúa giữ gìn, không bao giờ nhiễm lây vết nhơ nguyên tội, nhưng luôn luôn thánh thiện và vô nhiễm". Đức Sixtô IV là vị Giáo hoàng đầu tiên minh nhiên xác định vấn đề Vô nhiễm bằng cách ban hành mười sáu Hiến chế về Mẹ Maria Vô nhiễm. Trong số đó, mười hai Hiến chế ban ân xá, bốn Hiến chế thiết lập và củng cố lễ Mẹ Vô nhiễm trong khắp Giáo hội. Năm 1545, Công đồng Trentô do Đức Phaolô III triệu tập, công bố sắc lệnh có ba khoản nói về Mẹ Vô nhiễm: 1. Đức Maria được miễn trừ khỏi luật chung của Nguyên tội. 2. Đức Maria được gọi là Vô nhiễm. Ý nghĩa danh từ này phải được xác định là khỏi mọi vết nhơ, mà vết nhơ là Nguyên tội. Do đó, gọi Mẹ là Vô nhiễm vì Mẹ đầu thai vô nhiễm nguyên tội. 3. Các Hiến chế của Đức Sixtô IV phải được tôn trọng. Đức Clêmentê VIII ca ngợi, khích lệ và cho phát hành cuốn giáo lý do Thánh Bellarminô soạn, trong đó có câu: H. Đầy ơn phúc nghĩa là gì? T. Đức Mẹ đầy ơn phúc, vì Người không hề mang vết nhơ tội lỗi, dù là Nguyên tội hay hiện tội, tội trọng hay tội hèn. Đức Grêgôriô XV ban hành sắc lệnh có một điều đáng chú ý: Những ai phủ nhận Đức Mẹ Vô nhiễm phải tuyệt đối im lặng, vì sinh gương mù và chia rẽ giữa Giáo hội. Mẹ Maria đầu thai mà mắc tội là điều xúc phạm đến niềm tin của tín hữu. Tuy nhiên, được giữ tư kiến cho mình, vì vấn đề chưa được chính thức xác định. Đức Alexanđrô VII là vị Giáo hoàng quan trọng thứ nhì sau Đức Piô IX trong việc định tín Mẹ Vô nhiễm. Trọng sắc "Sollicitudo Omnium Ecclesianum" của ngài có ba điều quan trọng: 1. Niềm tin Mẹ Maria Vô nhiễm là quan điểm đạo đức (Pia sententia). 2. Sự đầu thai nói về Mẹ Maria có nghĩa là Vô nhiễm. 3. Ngài giải thích các sắc lệnh của các vị tiền nhiệm xác nhận Mẹ Vô nhiễm. Năm 1830, Đức Mẹ hiện ra ban cho Thánh Catarina Labouré tại Paris lời nguyện vắn tắt: "Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ". Đức Grêgôriô XVI, vị tiền nhiệm của Đức Piô IX, đã dọn đường rất gần để tiến tới việc định tín. Ngài ban phép cho 133 giáo phận và hội dòng thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: "Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông, cầu cho chúng con". Sau này Đức Piô IX mới ấn định câu này trong kinh cầu Đức Bà cho khắp Giáo hội. Lòng sùng kính Mẹ Vô nhiễm đặc biệt của ngài ảnh hưởng sâu rộng trong Giáo hội. Từ năm 1840 đến 1844 có 86 đơn thỉnh nguyện xin định tín của các Hồng y, Giám mục nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức, và Trung Hoa, và năm 1849 thêm các đơn thỉnh nguyện của Công đồng Baltimore, Hoa kỳ. Đức Piô IX đã được Thiên Chúa tuyển chọn để định tín Mẹ Vô nhiễm thai, nên lịch sử gọi ngài là Giáo hoàng của Mẹ Vô nhiễm. Từ năm 1846 đến 1849 có thêm 130 đơn thỉnh nguyện, nên ngài quyết tâm tiến hành: Ngày 1-6-1848 ngài triệu tập Hội đồng Tư vấn gồm các nhà thần học nổi danh, với sứ mệnh thẩm xét vn đề. Hội đồng Tư vấn biểu quyết tâu xin định tín. Ngày 22-12-1848 một Hội đồng Tiền chuẩn bị gồm tám Hồng y và năm cố vấn họp tại Naples dưới quyền chủ toạ của Đức Hồng y Lambruschini. Hội đồng tâu xin Đức Thánh Cha gửi một thông điệp cho các Giám mục xin cầu nguyện và hỏi ý kiến. Ngày 2-2-1849 Đức Thánh Cha liền ban hành Thông điệp "Ubi Primum". Ngài nhận được 603 thư hồi âm tâu xin định tín hoặc xin tùy sự quyết định của Đức Thánh Cha. Với đủ yếu tố trong tay, Đức Piô IX họp Cơ mật viện gồm các Hồng y để quyết định lần cuối cùng và ngài viết Thông điệp "Ineffabilis Deus". D. Tuyên tín Ngày 8-12-1854, tại đại đền Thánh Phêrô, trước mặt 54 Hồng y, 42 Tổng Giám mục, 92 Giám mục, 300 các viên chức sắc gồm cả ngoại giao đoàn, cùng với chừng 50,000 linh mục, tu sĩ, và giáo dân từ nhiều quốc gia, Đức Piô IX trịnh trọng tuyên bố thông điệp bất hủ "Ineffabilis Deus", và với một giọng cương quyết oai nghiêm, ngài tuyên tín: "Do uy quyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và của riêng Ta, Ta xác nhận, tuyên ngôn và định tín rằng: Rất Thánh Trinh Nữ Maria từ phút đầu thai đã được gìn giữ Vô nhiễm khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, do đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân thế. Tín lý này đã được Thiên Chúa mạc khải. Do vậy, tất cả mọi tín hữu phải tin kiên vững". Đức Thánh Cha vừa dứt lời, tức thì bài thánh ca "Te Deum" cùng với âm nhạc và tiếng chuông đại đền thánh Phêrô vang lên trầm hùng, biểu lộ niềm phấn khởi hân hoan từ ngàn vạn con tim dào dạt sung sướng trước bước vinh quang của Mẹ Vô nhiễm. Đồng thời, bên ngoài, từng loạt đại bác tại lâu đài Thiên thần nổ vang trời, nhịp với chuông tất cả các đền thờ thành Rôma đổ hồi ngân vang reo mừng Mẹ. Các lâu đài, dinh thự và tất cả các tư gia đều kéo cờ tưng bừng, và đêm đến thì trưng đèn rực sáng để ghi dấu một biến cố vinh quang cho Mẹ Vô nhiễm và vẻ vang cho toàn thể Giáo hội. Sau bốn năm, năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với Thánh Bernađetta tại Lộ Đức nước Pháp. Mẹ xưng mình "Ta là Đấng Vô nhiễm thai" để xác nhận điều tuyên tín của Đức Piô IX. Năm 1846 công đồng giáo tỉnh Baltimore cung hiến Giáo hội Hoa Kỳ cho Đức Mẹ Vô nhiễm. Và đền thánh Mẹ Vô nhiễm bổn mạng toàn quốc đã được xây cất tại Washington, D.C. Tại Việt Nam, từ năm 1855 đến năm 1862 dưới triều vua Tự Đức, việc cấm đạo khủng khiếp ác liệt hơn hết. Riêng giáo phận Bùi Chu và Hải Phòng đã có trên 2,000 người chết vì đạo. Bởi vậy, các thừa sai Tây Ban Nha tại Giáo phận Bùi Chu khấn dâng giáo phận cho Đức Mẹ Vô nhiễm và khấn hứa Đức Mẹ ban ơn bình an, giáo phận sẽ dâng kính Đức Mẹ một đền thờ rộng lớn. Quả thật đến năm 1888, phong trào cấm đạo chấm dứt. Nhưng mãi đến năm 1916 Giáo phận Bùi Chu mới khởi công kiến thiết đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm đồ sộ nguy nga kiểu Gothic bậc nhất Đông Dương tại Phú Nhai gần Bùi Chu, tới năm 1923 mới khánh thành, năm 1929 bị bão đổ, và năm 1933 được trùng tu uy hùng cho tới ngày nay. Trải qua nhiều khó khăn sau bao thế kỷ, và nhờ ánh sáng của Chúa Thánh Linh qua Thánh kinh và Thánh truyền, Giáo hội đã đính thêm viên bích ngọc "Vô nhiễm" sáng chói trên vương miện Thiên Mẫu của Mẹ Maria. Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa và Giáo hội, cách riêng Đức Sixtô IV và Đức Piô IX. Với hết tình ngoan thảo, chúng ta hãy hoan hỉ ca mừng chúc tụng Mẹ Vô nhiễm, đặc biệt trong dịp lễ tôn vinh Người. II. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ Đông phương đã mừng lễ Mẹ Vô nhiễm từ thế kỷ VII. Bên Tây phương, Osbertô Clare, một văn sĩ và thi sĩ người Anh, tiên phong vận động mừng lễ Mẹ Vô nhiễm tại Anh hồi thế kỷ XII. Từ Anh lễ này lan nhanh sang Normandie và toàn nước Pháp rồi sang Ý. Năm 1215 các giáo phận nước Pháp được Đức Innocentê III ban phép đầu tiên mừng lễ Mẹ đầu thai. Quãng năm 1241 hay 1242, vì lý do chính trị do Vua Philippe II nước Pháp, Đức Bonifaciô VIII dời giáo triều xuống thành Anagni là nguyên quán của ngài và mừng lễ Mẹ đầu thai tại nhà thờ chính toà. Năm 1263, Đại Công hội Dòng Phanxicô tại Pise (Ý) ấn định mừng lễ này trong toàn dòng. Đến đời Đức Clêmentê V, vì ảnh hưởng của Vua Philippe II, ngài đặt giáo đô tại Avignon (Pháp). Cả giáo triều mừng lễ Mẹ đầu thai ngày mồng 8 tháng 12 tại nhà thờ Dòng Carmelô. Từ đây, hằng năm giáo triều mừng lễ Mẹ đầu thai và tiếp tục khi trở về Rôma, các Đức Giáo hoàng cũng đích thân tham dự. Năm 1385, sử gia Bellemer và mấy năm sau sử gia Francis Martin còn thấy Đức Giáo hoàng, các Hồng y, Giám mục mừng lễ Mẹ đầu thai tại nguyện đường trong điện Vaticanô. Thời đó lễ Mẹ đầu thai chỉ có ý nghĩa suông là Đức Mẹ đầu thai thánh thiện trong lòng Bà Thánh Anna. Vấn đề Vô nhiễm chưa được đưa ra khảo sát, và Toà thánh cũng chưa xét đến điểm tín lý. Năm 1325 tại Avignon, Đức Gioan XXII chứng giám cuộc tranh luận sôi nổi giữa các linh mục Dòng Phanxicô và Dòng Đaminh về vấn đề Vô nhiễm. Chung cuộc, ngài tuyên bố luận cứ bên Phanxicô đáo lý hơn và có ưu thế hơn, nên ngài truyền dạy mừng lễ Mẹ đầu thai rất trọng thể tại nguyện đường của ngài, nhưng ngài không xác định vấn đề Vô nhiễm. Công đầu tiên thiết lập lễ Mẹ Vô nhiễm là Đức Sixtô IV, một tu sĩ Phanxicô. Năm 1476, ngài dạy Lêonardô Nogarolis soạn kinh lễ với tuần tám. Ngày 27-2-1477, ngài ban hành Trọng sắc "Cum prae-celsa" long trọng thiết lập lễ Đức Mẹ Vô nhiễm. Ngày 4-10-1480, Đức Thánh Cha ban hành Đoản sắc "Libenter" chuẩn nhận Giờ kinh và Bài lễ Mẹ Vô nhiễm do cha Bernadino de Bustis, OFM, soạn thảo. Năm 1482 và 1483 nổi lên những phản ứng tại miền Lombardy, Bắc Ý, tuyên truyền rằng tin và chủ trương Đức Mẹ Vô nhiễm thai là rối đạo, Đức Sixtô IV ban hành thêm hai Tiền và Hậu đoản sắc "Grave nimis" để chặn đứng luồng tư tưởng lầm lạc đó. Đức Lêô X tán thành và xác nhận những văn kiện của Đức Sixtô IV. Với Trọng sắc "Sacrosanctae", ngài truyền dạy nước Balan mừng lễ Mẹ đầu thai như ở Rôma, và ban phép Giáo hội Tây Ban Nha tổ chức lễ Mẹ Vô nhiễm nửa đêm ngày 8 tháng 12. Đức Thánh Piô V truyền dạy toàn thể Giáo hội mừng lễ Mẹ đầu thai. Giờ kinh ngày lễ thì lấy giờ kinh lễ Sinh nhật Mẹ, và đặt chữ "Đầu thai" thay chữ "Sinh nhật". Riêng Dòng Phanxicô được dùng giờ kinh Bài lễ của Nogarolis đời Đức Sixtô IV. Các Đức Giáo hoàng Sixtô V, Grêgôriô XV, Clêmentê IX, Bênêđictô XIV, Clêmentê XIII, Clêmentê XIV, Piô VI, và Đức Piô VII ban phép mừng lễ Mẹ Vô nhiễm cho từng quốc gia, từng giáo phận, từng dòng tu. Riêng Đức Grêgôriô XVI trong vòng mười năm ban phép cho 211 giáo phận và dòng tu mừng lễ Mẹ Vô nhiễm, và thêm danh từ "Vô nhiễm" vào kinh Tiền tụng lễ Mẹ đầu thai. Đức Clêmentê XI, với trọng sắc "Commissioni nobis" năm 1708 truyền dạy lễ Mẹ Vô nhiễm là lễ buộc trong khắp Giáo hội. Đức Piô IX, ngày 30-9-1847, ngài ký sắc lệnh của Thánh bộ Lễ nghi ban phép đọc Giờ kinh và Bài lễ Mẹ Vô nhiễm cho chính ngày lễ và cả tuần tám, bắt đầu cho giáo phận Rôma và hai năm sau cho toàn thể Giáo hội. Năm 1863 là sau chín năm định tín Mẹ Vô nhiễm, ngài qui định Giờ kinh và Bài lễ Mẹ Vô nhiễm "Gaudens Gaudebo - Tôi sẽ hớn hở vui mừng" như ta thấy ngày nay. III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ Giáo hội đã tuyên tín Mẹ Maria đầu thai vô nhiễm và long trọng mừng lễ Mẹ Vô nhiễm để cảm tạ Chúa Ba Ngôi rất thánh đã tiền định tuyển chọn Mẹ với một đặc ân lạ lùng, chuẩn bị cho phẩm chức và sứ mạng của Mẹ, đồng thời để ngợi khen chúc tụng Mẹ cao sang hơn mọi bậc thần thánh và toàn thể loài người. Giáo hội long trọng mừng lễ Mẹ Vô nhiễm với năm lý do thần học theo Thánh Tôma: 1. Nếu lúc nào đó mắc tội, Mẹ Maria không xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, vì "cha mẹ là sự hãnh diện của con" (xem Cn 17:6). Do đó, nếu Mẹ mắc nguyên tội, ánh vinh quang của Chúa bị lu mờ trước mặt các thần thánh. 2. Giữa Chúa Giêsu và Mẹ có một mối liên hệ chặt chẽ. Chúa và Mẹ cùng một vinh quang, nên Mẹ cần phải sạch mọi tội lỗi, nhất là nguyên tội. 3. "Cha đã cho con việc xử án" (Ga 5:22). Nếu Mẹ Maria sa phạm tội lỗi hoặc nguyên tội, thì theo đức Công bằng, Chúa phải xử án luận phạt Mẹ. Nhưng có lẽ nào Chúa để Mẹ sa phạm để đoán phạt Người! 4. Thánh Phaolô gọi thân xác chúng ta vì ô nhiễm nguyên tội là thân xác tội lỗi (Rm 6:6). Nếu Mẹ mắc nguyên tội, thân xác Mẹ sẽ là thân xác tội lỗi, thì làm sao xứng với thân xác Chúa Giêsu ngôi hiệp với bản tính Thiên Chúa? 5. Vẻ đẹp của Mẹ "mười phân vẹn mười" luôn luôn và mãi mãi đẹp. Mẹ đẹp từ lúc đầu thai và luôn mãi đẹp. Trước khi sinh ra, sau khi sinh ra, không một tuổi nào, không một lúc nào trong đời Mẹ, mà Mẹ không luôn luôn hoàn toàn đẹp đẽ. IV. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ Bài đọc I: Sáng thế 3:9-15, 20 Đoạn văn này ám chỉ Mẹ Maria là Tân Evà. Các Thánh Giáo phụ từ Thánh Giustinô nhìn thấy trong thánh truyện Truyền tin sự phản ngược quá trình tội lỗi trong vườn địa đường. Bà Evà là mẹ chúng sinh, vì nghe mưu chước con Rắn hoả ngục đã lỗi phạm giới răn Thiên Chúa ăn trái cấm và trao cho ông Ađam cùng ăn. Tội phạm này đã làm cho ông bà phải khiếp sợ, xấu hổ, và nhận chìm toàn thể loài người xuống hố đoạ trầm. Trái lại, Đức Trinh Nữ Maria là Tân Evà cũng là Mẹ chúng sinh vì nghe theo Thiên sứ, xin vâng lời Thiên Chúa dấn thân vào sứ mạng Đồng công cùng với Chúa Cứu Thế cứu thoát loài người khỏi h đoạ trầm mà được thăng tiến vinh phúc. Như vậy bà Evà đã bị con Rắn ánh thảm bại, thì Tân Evà đã đạp nát đầu Rắn, chiến thắng nó một cách vẻ vang, mà cuộc chiến thắng đầu tiên là được đặc ân Vô nhiễm. Bài đọc II: Êphêsô 1:3-6, 11-12 Đầu thư này trình bày thánh lệnh muôn đời của Thiên Chúa là mầu nhiệm đã được giấu kín qua các thời đại, rồi được tỏ ra trong Chúa Kitô. Đức Gioan Phaolô II áp dụng tư tưởng này vào Mẹ Maria: "Mầu nhiệm Mẹ Maria chỉ được tỏ rõ trong mầu nhiệm Chúa Kitô" (RM, 4). Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ từ muôn thuở để Mẹ nên thánh thiện và vô tì tích trước mặt Người. Cùng với Đức Gioan Phaolô II, chúng ta có thể thấy rằng ơn thánh đã làm cho toàn thể con người Mẹ Maria nên cao cả xinh đẹp phi thường (RM, 11). Phúc âm: Luca 1:26-38 Bài Phúc âm này được tuyên đọc ngày lễ Mẹ Vô nhiễm, vì lời thiên sứ "kính chào Bà đầy ơn phước" tỏ ra rằng Đức Trinh Nữ Maria được dư tràn ơn phúc do đặc ân Vô nhiễm như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích: đầy ơn phúc nghĩa là Vô nhiễm (18-12-84). Lời thiên sứ quả quyết "Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ" chứng tỏ Trinh Nữ được đẹp lòng Thiên Chúa, được Thiên Chúa tuyển chọn vào một chức phẩm siêu việt và một sứ mạng cao cả. Trước một ơn thánh cao dầy do lòng Chúa yêu thương và trước một viễn tượng huy hoàng rực rỡ như thế, Trinh Nữ Maria càng hạ mình sâu thẳm, càng trung kiên với đức Đồng trinh, càng được đẹp lòng Thiên Chúa. Do vậy, Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người mầu nhiệm Nhập thể Cứu chuộc.
|